Đặc sản miền Tây

Thú vui lấy con vịt với lửa rơm ngoài đồng. Dùng đất sét bao quanh con vịt khi còn cả lông. Đốt con vịt trong đống rơm. Khi đất sét nứt ra thì con vịt đã chín. Dùng tay gỡ từng mảng đất sét đi luôn cả lông. Xé từng miếng thịt trắng tinh, thơm phức chấm với muối ớt cay xé rồi đưa vào miệng nhai chầm chậm để cảm nhận vị ngọt của thịt. Vịt đồng ngon bởi vì vịt ăn lúa trên đồng, ngoài ra còn ăn ốc, cá con dưới đồng. Do thức ăn đa dạng nên thịt khá ngon. Đặc biệt lòng đỏ trừng thường lớn và béo không như vịt nuôi cho ăn cám và rau.


Nướng cá lóc cũng vậy nhưng nhớ cắm đầu cá xuống để cho chín đều con cá. Có nơi người ta gói con cá lóc trong lá sen để cá có hương vị của lá sen. 

Cá trê nướng ăn với mắm gừng thật đúng vị. Nếu có thêm các đọt cây Kèo nèo có nơi gọi là Giá sùng làm cho vị cá nướng thêm ngon.

Khi mùa nước lụt, nước ngập cả cánh đồng trắng xóa. Từ hừng đông phải chèo xuồng đi tìm bông Điên điển. Phải hái thật sớm vì khi nắng lên, bông Điên điển nở ra, cánh rụng, ăn có vị đắng. Bông điên điển có nhiều vào mùa nước lụt. Dùng để nấu canh chua rất ngon. Khi bông nhiều quá người ta lại muối chua để ăn dần. 

Bông Điên điển

Khi mùa mưa tới cá con xuất hiện nhiều. Đem cá về kho tiêu cho khô cứng ăn với cơm gạo trắng thì ngon lắm.


Cá sặc.

Khô cá sặc chiên giòn ăn với cơm gạo trắng thì thật tuyệt. Không biết tự bao giờ ai đã nghĩ ra cách chế biến khô cá sặc độc đáo vậy. Khi chiên trên chảo, mỡ của cá chảy rịn ra lấp lánh làm ta phải nuốt nước miếng chạy ừng ực trong cuống họng.

Khô cá sặc còn được làm gỏi xoài để làm mồi trong những ngày gặp anh em bạn bè thật thú vị.


Cá chốt.

Cá chốt là loài cá ngày xưa có rất nhiều ở miền tây. Vào mùa mưa người ta dễ dàng dùng rổ để xúc cá. Loài cá này có xương hơi cứng. Dưới bàn tay của các dì, cô nội trợ thì cá chốt trở thành món ăn hấp dẫn trong bữa cơm hàng ngày đó là canh chua cá chốt.

Cá lóc.

Cá lóc ướp gia vị rồi đem phơi khô 1 vài nắng. Vào những ngày mưa bão, ngồi nướng khô cá lóc chấm với nước mắm me. Đưa một miếng lên miệng rồi nhấp ngụm rượu. Nhai đến đâu cảm giác ấm và ngọt biết đến đó.


Cá linh.

Cứ đầu tháng 7 âm lịch khi nước lũ tràn về mang theo con nước đục ngầu phù sa. Dòng nước mang trong mình nhiều sản vật quý. Trong đó có cá linh. Cá càng non càng ngon. Cá có vị béo ngậy. Cá linh có thể làm nhiều món như nướng, kho, nấu lảu. Khi cá Linh nhiều quá ăn không hết thì làm mắm ăn dần.

Mắm cá linh thường được nấu lẩu, ăn sống, v.v.. Có lẽ món bắp luộc ăn với mắm sống it được nhắc đến. Bắp nếp không nên chọn quá già hay quá non. Mắm cá linh trộn chanh, tỏi, đường, ớt v.v... Cắn miếng bắp nếp luộc rồi nhai con mắm nhỏ. Vị ngọt của bắp nếp trộn với nồng thơm của mắm cá linh. Nhai đến đâu biết đến đó. Lúc này lưỡi và răng được hòa quyện với nhau bằng một vị rất lạ.

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hoa mai

Thảo Cầm Viên

Món quà nhỏ giá trị tinh thần